Chào mừng bạn đến kho tài liệu độc quyền của chúng tôi

Như thế nào là người quản lý nhân sự chuẩn ?

Năng lực lãnh đạo tài tình của nhà quản lý thể hiện qua cách quản trị nhân sự, được nhân viên yêu mến, kính trọng, nể phục... Kỹ năng quản lý nhân sự đỉnh cao chỉ khi bạn thực sự hiểu được tất cả nhân viên của mình và có những “chiến thuật” để “tận dụng” những khả năng của họ. Con người luôn là nhân tố trung tâm của mọi hoạt động, chính vì vậy, hãy tối đa hóa giá trị từ “tài sản” quý giá nhất đó trong công việc kinh doanh của mình.

Quản lý nhân sự không tốt sẽ dẫn đến:

Sự bất mãn của nhân viên: Các nhân viên sẽ không còn sự hào hứng với công việc, tồi tệ hơn nữa họ sẽ cố tình phá hoại ngầm các hoạt động của công ty. Thậm chí, khi nói chuyện với khách hàng họ sẽ nói những điều không tốt về công ty.

Không tuân thủ các quy tắc: Các nhân viên sẽ không tôn trọng các quy tắc nữa, họ sẽ thường xuyên đi làm muộn, không tham gia các buổi họp và đi ăn trưa nhiều giờ đồng hồ.

“Đầu độc” môi trường làm việc: Họ sẽ tìm cách biến sự nhiệt tình, hào hứng với công việc của những người mới đến trở nên tiêu cực.

Nếu tìm được đúng đáp án cho bài toán quản lý nhân sự:

Sự nhiệt tình của nhân viên: Các nhân viên sẽ cảm thấy vui vẻ và luôn muốn tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho công ty vì bạn giúp họ hiểu rằng lợi nhuận của công ty tăng tỷ lệ thuận với lương của họ.

Luôn đi làm với ý thức trách nhiệm cao: Họ ý thức được rằng mỗi ngày lao động của họ đã đóng góp không chỉ cho họ, cho công ty họ mà còn cho sự phát triển của xã hội.

Luôn tin tưởng lẫn nhau: Các nhân viên làm việc với nhau trên tinh thần hợp tác và thân thiện, với sếp là sự tôn trọng giữa nhân viên cấp trên và cấp dưới.

Để việc quản lý nhân sự có hiệu quả, bạn cần tuân thủ những mục tiêu sau:

Công bằng: Khi áp dụng bất kỳ chính sách nào bạn cần phải tìm hiểu xem liệu chúng có phù hợp với nhân viên hay không? Đảm bảo tiền lương, thưởng, thủ tục trả lương và môi trường làm việc phù hợp với tiêu chuẩn luật pháp đưa ra. Cần nhớ rằng nhân viên là cốt lõi của công ty, sẽ chẳng có khách hàng nào đến với bạn nếu như không có sự làm việc của họ. Đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết là đúng nhưng lợi ích của nhân viên cũng cần tỷ lệ thuận theo. Sẽ không ai nghe những gì bạn nói nếu những điều đó không có lợi gì cho họ. Phải luôn luôn nghĩ đến nguyên tắc WIN – WIN (nguyên tắc đôi bên cùng có lợi). Bạn học được nhiều cách quản lý hay từ những công ty nổi tiếng, thành công bạn muốn áp dụng ngay với nhân viên của mình điều đó là sai lầm. Mỗi công ty, mỗi doanh nghiệp có một đặc thù riêng không thể lấy nguyên mẫu của một công ty nào đó mà áp đặt vào công ty mình rồi cho đó là đúng, là tốt cho tập thể. Lợi ích của tập thể không nằm ở cái nhìn của người quản lý mà nằm ở ý kiến, quan điểm của số đông.

Biết cách khuyến khích nhân viên: Khi nhân viên nào đó có đóng góp đặc biệt cho công ty cần có chế độ thưởng và khen ngợi tức thì. Cần tìm ra liệu điều gì sẽ thúc đẩy các nhân viên làm việc nhiệt tình và có trách nhiệm. Đôi khi bạn nên tổ chức cho mọi người một buổi tiệc nhỏ để giúp giảm bớt căng thẳng và mọi người có cơ hội trò chuyện với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên khuyến khích cũng cần đúng cách,  sẽ phản tác dụng nếu như cách khuyến khích nửa vời theo kiểu làm cho có không thật lòng một hai lần khi hiểu rõ về suy nghĩ cách cư xử của bạn nhân viên sẽ  chán nản, chống đối lại.

Thái độ của sếp: Cách cư xử của sếp chính là yếu tố cần thiết để tạo ra thành công. Nếu sếp luôn đối xử với nhân viên dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau với một thái độ tích cực thì sếp sẽ có những nhân viên làm việc năng suất thực sự, nhưng nếu người quản lý có những thái độ tiêu cực gây ức chế cho nhân viên trong quá trình làm việc thì hậu quả sẽ vô cùng tồi tệ.

Trò chuyện thân thiện với tất cả mọi người về mọi thứ

Dành thời gian để trò chuyện với cấp dưới về tất cả các vấn đề không chỉ dưới góc độ công việc. Bạn sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình, sự tin tưởng từ mọi người bằng sự cởi mở và chân thành của mình. Việc trò chuyện thân thiện này cũng sẽ giúp nhân viên tự tin chia sẻ lại với bạn những ý tưởng hay ho.

Lắng nghe một cách chân thành

Luôn luôn lắng nghe nhân viên một cách chân thành khi nhận được sự chia sẻ. Nhân viên cần và sẵn sàng “trải lòng” với bạn, hãy dùng nét mặt, ngôn ngữ, cử chỉ, ảnh mắt và lời gợi mở để thể hiện sự quan tâm và chăm chú lắng nghe của bạn. Đừng vội cắt ngang hay “phủ đầu” quan điểm của nhân viên mà hãy thực sự lắng nghe, thấu hiểu và phân tích nghiêm túc. Đừng để những cuộc điện thoại cắt ngang hoặc một sự việc nhỏ làm gián đoạn cuộc bàn luận hoặc bạn không cho nhân viên tín hiệu tạm ngưng một cách nghiêm túc, lịch sự.

Đặt ra những câu hỏi

Sau khi lắng nghe chân thành, hãy đặt câu hỏi cho nhân viên về điều họ vừa trình bày. Dù phần trình bày có thuyết phục hay không, hãy luôn đặt ra một vài câu hỏi về chủ đề bàn luận. Nhân viên sẽ có được sự tự tin hơn và cũng có cơ sở để nhìn nhận lại vấn đề, tạo động lực và nâng cao hiệu suất của nhân viên. Đừng sử dụng những câu hỏi quá “xoáy” hay bóc mẽ sự yếu kém của nhân viên trước mặt mọi người.

Luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết

Định hướng công việc là từ bạn, những việc theo sát và hỗ trợ cho nhân viên cũng vô cùng cần thiết. Bất cứ khi nào nhân viên cần lời khuyên của bạn, hãy hỗ trợ họ. Nhưng đừng quên nhắc nhân viên rằng việc này có cần thiết phải cần bạn giúp đỡ hay không? Giao việc và ủy quyền hiệu quả sẽ giúp nhân viên tự tin đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với công việc tốt hơn.

Hướng dẫn tận tình

Định hướng và theo sát hoạt động luôn cần thiết nếu năng lực và chuyên môn của nhân viên còn hạn chế. Kỹ năng quản lý và lãnh đạo tốt nhất là luôn vạch sẵn lộ trình hoạt động hướng đến mục tiêu công việc, chứ không phải là cầm tay chỉ việc quá tỉ mỉ. Tạo cho nhân viên tính tự chủ trong cách làm việc để tự tìm tòi và khai thác khả năng bản thân.

Thể hiện sự kỳ vọng

Bạn thường xuyên chia sẻ sự kỳ vọng vào nhân sự của mình để nhân viên biết chính các điều bạn mong đợi từ họ. Những câu chuyện, những lời động viên khích lệ, chia sẻ về kế hoạch mục tiêu công việc sẽ giúp nhân viên nhận ra mình chính là một phần để quyết định đến thành quả đó. Họ sẽ tự điều chỉnh bản thân và nỗ lực hơn để không khiến bạn thất vọng.

Đánh giá đúng năng lực của nhân viên

Trong công việc, khi nhân viên đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và chỉ tiêu được giao, nhà quản lý nên đặc biệt tuyên dương sự cố gắng của từng nhân viên trong nhóm hoặc công ty. Việc nhìn nhận và đánh giá đúng năng lực của từng nhân viên sẽ giúp họ cảm thấy được trân trọng và tâm huyết hết mình với công việc. Đặc biệt, nếu nhân viên gặp khó khăn hay thất bại trong công việc, nhà quản lý tuyệt đối không nên đổ lỗi và thờ ơ trước sự thất bại này. Hãy cùng nhân viên nhận trách nhiệm và tìm kiếm giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ không chỉ giúp khích lệ tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhân viên mà còn tăng cường sự gắn kết tinh thần đồng đội của cả nhóm.

Quan tâm đời sống nhân viên một chút

Ngoài khía cạnh công việc, mỗi người đều có những sự lo toan khác, áp lực về gia đình, xã hội. Những điều này cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả công việc. Bạn cũng nên quan tâm đến nhân viên nếu họ có biểu hiện sa sút hoặc bất thường để kịp thời động viên họ.

Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh

Một chút cạnh tranh trong công việc sẽ giúp nhân viên thúc đẩy tinh thần và sự nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhà quản lý chỉ nên khuyến khích sự cạnh tranh công bằng giữa các nhân viên trong công việc thay vì chỉ chú ý tới kết quả và sự thắng thua trong các dự án. Đặc biệt, nhà quản lý không nên khuyến khích sự cạnh tranh khốc liệt trong cùng một team vì điều này có thể khiến sự gắn kết trong team bị chia rẽ và ảnh hưởng tới tinh thần làm việc nhóm của cả đội. Hãy khuyến khích sự đoàn kết trong một nhóm để cạnh tranh lành mạnh với các nhóm khác trong công ty.

Hành động quyết liệt và ghi nhớ thỏa thuận

Lãnh đạo “đã nói là phải làm”. Kiểm soát lời nói của mình và giữ đúng lời hứa. Bạn sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất và phải chủ động tích cực nhất, đi tiên phong trong mọi hoạt động. Nếu lời đã nói ra hay thỏa thuận đã được ký kết, phải luôn ghi nhớ. Đừng để mâu thuẫn trong lời nói khiến nhân viên mất niềm tin và thiếu đi sự phục tùng.

---------

Nguồn: smartrain.vn/ Kynang.edu.vn

 

Share: